Du hành khám phá mâm cỗ Trung thu của các nước trên thế giới

Mâm cỗ Trung thu là nét văn hóa độc đáo, thể hiện tinh thần đoàn viên và lòng biết ơn trong dịp Tết Trung thu. Mỗi quốc gia đều có cách bày trí, chuẩn bị mâm cỗ dip tết Trung thu riêng, phản ánh nét đặc trưng trong ẩm thực và phong tục. Nếu bạn tò mò, mau chóng cùng Donghangshipcod du ngoạn qua những mâm cỗ Trung thu đặc sắc trên khắp châu Á nha! Úm ba la! Hành trình khám phá mâm cỗ Trung thu các nước mở ra!

Mâm cỗ Trung thu Nhật Bản – Hương vị mùa thu xứ Phù Tang

Tại đất nước Mặt Trời mọc, Tết Trung thu còn có tên gọi khác là Tsukimi, có nghĩa là “ngắm trăng”. Mâm cỗ Trung thu truyền thống Nhật Bản thường không quá cầu kỳ, mà tập trung vào sự tinh tế và hài hòa với thiên nhiên. Tại xứ sở hoa anh đào, một mâm cỗ cúng trăng trọn vẹn không thể thiếu các món sau:

  • Dango: tương tự như bánh Trung thu Việt Nam, đây là món không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu Nhật Bản. Dango là những chiếc bánh trôi nhỏ làm từ bột gạo, thường được xếp thành chồng dạng kim tự tháp, tựa như vầng mặt trăng tròn đầy. Tùy thuộc vào năm thường hay năm nhuận, người Nhật sẽ xếp khoảng 15 hay 5 viên bánh dango lên đĩa cúng đúng ngày rằm Trung thu. Vào đêm 13/9 của lễ Trung thu thứ hai, họ sẽ chỉ cúng từ 13 viên hay 3 viên bánh.
  • Susuki: hay chính là cỏ lau, là vật trang trí trên mâm cỗ Trung thu của người Nhật phổ biến nhất. Từ xa xưa, tại Nhật Bản, cỏ lau đã được coi là hiện thân của thần mặt trăng. Việc đặt bình cỏ lau lên mâm cỗ sẽ giúp họ được thần che chở, đem đến mùa màng bội thu và sự sung túc cho gia đình. 
  • Sake: Rượu gạo truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người Nhật. Trong đêm Trung thu, họ thường uống rượu sake dưới ánh trăng, vừa thưởng thức hương vị đặc trưng, vừa hòa mình tận hưởng ánh trăng rằm.
  • Khoai: Giống như tên gọi của đêm 15 là “Imomeigetsu”, hay trăng mùa khoai, lễ hội Trung thu tại Nhật còn được xem là lễ tạ ơn mùa thu hoạch khoai. Chính vì vậy, vào đêm này, người dân Nhật Bản sẽ bày cỗ với các loại khoai tây, khoai môn hay khoai sọ. Ngoài ra, mâm cỗ còn có thể bao gồm các loại trái cây theo mùa như lê, hồng, nho và đậu các loại.

Cách bài trí mâm cỗ đêm Trung thu của người Nhật cũng rất độc đáo. Họ thường bày mâm cỗ ngoài trời, trên ban công hoặc trong vườn, để vừa thưởng thức món ăn, vừa ngắm trăng. Mâm cỗ được đặt trên một chiếc bàn thấp, với đồ sứ tinh xảo và đũa gỗ truyền thống. Thời gian thưởng thức mâm cỗ ở Nhật Bản thường bắt đầu từ khi mặt trời lặn và kéo dài đến tận đêm khuya. Đây là dịp để gia đình sum họp, thưởng ngoạn vẻ đẹp của trăng thu và cảm tạ trời đất cho một mùa bội thu.

Mâm cỗ Trung thu Nhật Bản
Người Nhật thường bày mâm cỗ tết Trung thu ngoài trời, trên ban công hoặc trong vườn, để vừa thưởng thức món ăn, vừa ngắm trăng

Mâm cỗ Trung thu Trung Quốc – Nét đẹp cổ truyền của đất nước tỷ dân

Từ lâu, Trung Quốc được nhiều người xem là cái nôi của Tết Trung thu với lịch sử lâu đời. Mâm cỗ Trung thu ở đây thường rất phong phú và cầu kỳ, phản ánh tầm quan trọng của lễ hội này trong văn hóa Trung Hoa. Khá giống Việt Nam, việc bày mâm cỗ trung thu ở Trung Quốc còn là dịp để gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong một năm mới nhiều may mắn. Một mâm cỗ tết Trung thu truyền thống của người Trung Quốc thường có:

  • Bánh trung thu: với nhiều hương vị như hạt sen, đậu đỏ, lạp xưởng. Hình dáng tròn của bánh giống như trăng tròn, tượng trưng cho sự đoàn viên.
  • Quả lựu: Người Trung Quốc tin rằng ăn lựu trong dịp Trung thu sẽ mang lại nhiều con cháu và sự thịnh vượng cho gia đình.
  • Bưởi: Biểu tượng của sự đoàn viên, hạnh phúc. Tiếng Trung của quả bưởi (柚子 – yòuzi) gần âm với từ “phù hộ, bảo vệ” (佑 – yòu), nên người ta tin rằng ăn bưởi sẽ được các vị thần chúc phúc, bảo hộ
  • Rượu quế hoa: đây là loại rượu lên men đã có nguồn gốc lịch sử hơn 2000 năm trước tại Trung Quốc. Loại rượu này vô cùng phù hợp cho mâm cỗ cúng Trung thu là vì đây chính là thời điểm hoa quế nở rộ. 

Ngoài ra, người Trung Quốc còn có tục lệ tụ họp, quây quần ăn bữa cơm đoàn viên vô cùng thịnh soạn. Các món không thể thiếu trong các bữa tiệc này là thịt vịt, cua lông, bí ngô và ốc sông. Tương tự như các nước khác, thời gian cúng Trung thu ở Trung Quốc thường bắt đầu vào buổi tối, khi trăng đã lên cao. Gia đình sẽ cùng nhau thắp hương, đặt mâm cỗ lên bàn thờ để cúng tổ tiên và thần linh. Sau đó, cả gia đình cùng nhau thưởng thức mâm cỗ, ngắm trăng và trò chuyện.

Mâm cỗ Trung thu Trung Quốc
Mâm cỗ Trung thu vô cùng thịnh soạn của người Trung quốc vào ngày Tết Đoàn viên

Mâm cỗ Trung thu Hàn Quốc

Tại xứ sở kim chi, Tết Trung thu được gọi là Chuseok – một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Tết Chuseok thường diễn ra vào thời điểm những cơn mưa rào bất chợt và tiết trời nóng bức của mùa hạ dần kết thúc. Thời tiết như báo hiệu mùa thu đã đến, kéo theo những mong chờ về một vụ thu hoạch thật bội thu. Vì vậy, lễ Trung thu tại Hàn gắn liền với ý nghĩa cảm tạ trời đất và mong cầu một mùa màng bội thu. Trong mâm cỗ dịp tết Trung thu Hàn Quốc, ta không thể không nhắc đến các món sau:

  • Songpyeon – Thông phiến: Đây là món bánh biểu tượng, không thể thiếu trên mâm cỗ tết Trung thu tại Hàn Quốc. Songpyeon là một loại bánh gạo hình bán nguyệt, được bọc với nhân đậu đỏ hoặc hạt vừng. 
  • Jeon: là tên gọi các loại bánh rán giòn từ rau củ và hải sản. Jeon không chỉ ngon miệng mà còn mang ý nghĩa cầu mong sự thịnh vượng và đủ đầy. 
  • Toranguk – Canh khoai sọ: Các củ khoai sọ sẽ được luộc qua bằng nước vo gạo hay nước muối để loại bỏ lớp nhớt bên ngoài. Sau đó, khoai sẽ được đem đi hầm với gân, ức bò đến khi chín nhừ. Đây là món ăn vô cùng thanh đạm, bổ dưỡng rất phù hợp với tiết trời mùa thu.
  • Lê, táo, hồng: Đây đều là những loại quả không thể thiếu khi trang trí mâm cỗ ngũ quả Trung thu tại Hàn.

Người Hàn rất coi trọng việc trang trí mâm cỗ ngũ quả trung thu sao cho đẹp mắt và ý nghĩa. Mâm cỗ thường được đặt trên bàn thấp truyền thống gọi là soban, với các món ăn được sắp xếp hài hòa và cân đối. Gia đình sẽ cùng nhau thực hiện nghi lễ cúng tổ tiên, gọi là charye. Sau đó, mọi người mới cùng nhau thưởng thức mâm cỗ. Đặc biệt, gia đình Hàn Quốc thường quây quần bên mâm cỗ, cùng nhau làm bánh Songpyeon và chia sẻ những câu chuyện gia đình.

Mâm cỗ Trung thu Hàn Quốc
Mâm cỗ Trung thu cổ truyền tại Hàn Quốc thường được đặt trên bàn thấp, với các món ăn được sắp xếp hài hòa và cân đối

Mâm cỗ Trung thu Philippines – Hòa quyện giữa bản sắc bản địa và Trung Hoa

Tại Philippines, Tết Trung thu không phải là ngày lễ chính thức nhưng vẫn được cộng đồng người gốc Hoa và một số người bản địa tổ chức. Mâm cỗ tết Trung thu của họ là sự kết hợp thú vị giữa văn hóa Philippines và Trung Quốc. Bánh Trung thu ở Philippines được gọi là Hopia với nhiều phiên bản khác nhau như:

  • Hopiang mungo: bánh nướng nhân đậu xanh
  • Hopiang baboy: bánh nướng nhân thịt heo
  • Hopiang Hapon: bánh nướng kiểu Nhật Bản
  • Hopiang ube: bánh nướng nhân khoai lang tím

Người Philippines thường tổ chức các bữa tiệc ngoài trời để thưởng thức mâm cỗ cúng trăng, kết hợp với các hoạt động vui chơi như múa lân, thả đèn trời. Bên cạnh phong tục ăn bánh Hopia, người dân nơi đây còn sáng tạo trò chơi xúc xắc Trung thu vô cùng thú vị. 

Mâm cỗ Trung thu tại Philippines
Sự kết hợp thú vị giữa văn hóa Philippines và Trung Quốc đã cho ra đời loại bánh Hopia – một loại bánh truyền thống luôn có mâm cỗ Trung thu Philippines

Mâm cỗ Trung thu Campuchia – Nét đẹp văn hóa Khmer

Tại Campuchia, Tết Trung thu được gọi là Ok Om Bok – lễ hội cảm tạ thần Mặt Trăng. Một điều đặc biệt tại nước này là tết Trung thu diễn ra muộn hơn một tháng. Chính xác là vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Việc chuẩn bị mâm cỗ tết Trung thu tại Campuchia bắt đầu từ sáng sớm, người dân sẽ chuẩn bị hoa tươi, canh sắn, nước mía, cơm tẻ,… để cúng trăng. 

Khi xong lễ, mọi người thường sẽ đem gạo dẹt đút vào miệng trẻ em thật đầy với mong muốn mọi sự tốt đẹp sẽ đến. Và khi mặt trăng bắt đầu lên cao sáng rực, người dân Campuchia thường tổ chức các cuộc thi thả đèn gió. Những chiếc đèn lồng gió bay lên cao cầu mang theo những tâm nguyện và niềm tin của người thả gửi tới thần mặt trăng.

Mâm cỗ Trung thu Campuchia
Người dân sẽ chuẩn bị hoa tươi, canh sắn, nước mía, cơm tẻ trên mâm cỗ Trung thu để cúng trăng

Mâm cỗ Trung thu các nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á, đều mang những nét đặc trưng riêng, phản ánh văn hóa và phong tục của mỗi dân tộc. Tuy có sự khác biệt về món ăn và cách thức tổ chức, nhưng tất cả đều hướng đến giá trị cốt lõi của Tết Trung thu: sự đoàn viên, lòng biết ơn và niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Dù bạn ở đâu, Donghangshipcod mong bạn cùng gia đình sẽ thưởng thức mâm cỗ Trung thu ý nghĩa, tận hưởng không khí đoàn tụ thật êm đềm nhé!.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

YOUR CART
  • Không có sản phẩm trong giỏ hàng

Điền thông tin đơn hàng